Bệnh viên Âu Cơ

Thai nhi 18 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ

Đăng ngày: 16-04-2019 09:47 am

Thai nhi 18 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ
Sự phát triển của thai nhi 18 tuần tuổi
Thai nhi 18 tuần phát triển như thế nào?
Em bé khi được 18 tuần tuổi có kích thước bằng một trái ớt chuông, nặng gần 200g và dài khoảng 14 cm tính từ đầu đến chân.
Tai của bé sẽ di chuyển đến vị trí chính xác và chìa sang hai bên theo đúng hình dáng tai hoàn chỉnh. Mẹ hãy chuẩn bị học những bài hát ru đi nào, bởi trong vài tuần tới, bé có thể có khả năng nghe đấy! Nhờ các xương tai giữa và các đầu dây thần kinh từ não bộ đang phát triển, bé sẽ nghe thấy các âm thanh như nhịp tim, tiếng máu của mẹ di chuyển thông qua dây rốn và thậm chí còn có thể bị giật mình bởi những tiếng động lớn nữa.
Đôi mắt của bé cũng đang phát triển và bây giờ chúng đang hướng về phía trước chứ không phải nhìn sang bên như trước đây. Võng mạc của bé bây giờ có thể phát hiện ra ánh sáng nếu mẹ giữ một cây đèn pin ngay bụng.
Cho đến bây giờ, xương của bé trong tuần 18 đã phát triển nhưng vẫn còn mềm. Tuần này, xương đòn và xương chân của bé sẽ bắt đầu cứng lại. Quá trình phát triển của bé vẫn diễn ra vẹn toàn.
Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 18
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Chứng đau lưng của mẹ đang trở nên nghiêm trọng? Mẹ sợ rằng mình không thể đứng lên được vào tháng thứ chín mang thai? Đừng lo lắng, đây chỉ là một trong những dấu hiệu mang thai mà thôi.
Có hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng này: Thứ nhất, trong thời gian mang thai, các khớp xương chậu của mẹ bắt đầu nới lỏng để cho phép bé đi ra khỏi cơ thể mẹ dễ dàng hơn trong quá trình chuyển dạ.
Thứ hai, bụng của mẹ sẽ trở nên quá khổ và khiến khả năng giữ thăng bằng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Một cách vô thức, mẹ sẽ có xu hướng đẩy vai ra sau, ngửa cổ lên và đứng thẳng với bụng đẩy về phía trước để giữ thăng bằng được tốt hơn. Kết quả là phần lưng dưới của mẹ phải uốn cong rất nhiều, cơ bắp sau lưng mẹ cũng sẽ căng ra và chịu nhiều đau đớn, từ đó dẫn tới những cơn đau lưng mà hiện tại mẹ đang phải chịu.
Sau đây là một vài mẹo nhỏ giúp mẹ tránh những cơn đau lưng đặc trưng của tuần thứ 18 thai kỳ:
• Tránh ngồi lâu hơn một giờ đồng hồ mà không đi lại hay nghỉ ngơi và thư giãn khớp và cơ. Tốt nhất mẹ nên vận động sau khi ngồi yên một chỗ trong khoảng nửa tiếng để tránh tình trạng đau lưng xảy ra.
• Tránh đứng quá lâu. Nếu công việc mẹ đang làm bắt buộc mẹ phải đứng một chỗ, hãy sử dụng một chiếc ghế thấp để kê một chân lên nhằm giảm áp lực lên vùng lưng. Nếu mẹ phải đứng trên nền bếp lạnh để rửa chén hay nấu ăn, hãy đứng trên thảm dày và êm để giảm bớt lực cơ thể lên lưng.
• Tránh nâng vật nặng. Nếu mẹ bắt buộc phải làm điều này, hãy thực hiện thật chậm rãi. Mẹ nên đứng hai chân bằng vai để giữ thăng bằng thật tốt, sau đó khuỵu gối xuống thay vì gập người để lấy vật nặng lên. Mẹ nên dùng lực từ tay và chân chứ không phải từ lưng. Nếu mẹ phải xách túi mua sắm nặng, hãy chia một túi làm hai và xách ở hai bên tay thay vì bê túi nặng ở phía trước.
Những điều mẹ cần lưu ý là gì?
Đôi khi cơn thèm ăn khi mang thai ở tuần thứ 18 sẽ khiến mẹ ăn nhiều món ăn cay và nóng. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ăn! Mẹ sẽ có nguy cơ cao bị ợ nóng nếu ăn quá nhiều món ăn như trên bởi khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ sẽ kém hiệu quả hơn do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Ợ nóng sẽ khiến mẹ cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn, vì thế hãy tránh ăn những món ăn cay và nóng. Mẹ có thể làm dịu cơn thèm ăn bằng những món ăn vặt bổ dưỡng tốt cho cả mẹ và bé.
Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 18 tuần
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Một điều bất tiện nữa của thai kỳ tuần 18 là tầm nhìn bị mờ đi. Một lần nữa, hormone thai kỳ chính là nguyên nhân của hiện tượng này. Mẹ có cảm thấy kì quặc không: bộ phận chẳng hề liên quan hay đóng vai trò gì trong việc mang thai như đôi mắt lại phải chịu ảnh hưởng một cách bất công như thế?
Hiện tượng khô mắt này xảy ra khi hormone có vai trò kích thích sản xuất nước mắt trong cơ thể mẹ bị sụt giảm. Vì vậy, dịch trong mắt mẹ sẽ tăng lên, khiến tròng mắt của mẹ bị thay đổi và kết quả là mẹ có thể bị cận hoặc viễn thị. Đừng quá lo lắng! Tầm nhìn của mẹ sẽ trở lại rõ ràng và đôi mắt của mẹ sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.
Nếu mẹ cảm thấy thị lực bị mờ đi hoặc thường thấy những đốm hoặc hạt nổi, nhìn nhòe một thành hai trong hơn hai hoặc ba giờ đồng hồ, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Bị nổ đom đóm mắt sau khi đứng trong một khoảng thời gian hoặc sau khi bất chợt đứng dậy là những hiện tượng khá phổ biến và không có gì phải lo lắng, dù vậy mẹ cũng nên báo lại cho bác sĩ vào lần khám tiếp theo.
Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?
Tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của mẹ và cách khám của bác sĩ, mẹ sẽ được thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm sau đây:
• Đo cân nặng và huyết áp
• Kiểm tra đường và protein trong nước tiểu
• Kiểm tra nhịp tim của thai nhi
• Kiểm tra kích thước của tử cung bằng cách sờ nắn bên ngoài
• Đo chiều cao tính từ đáy tử cung
• Kiểm tra xem liệu bàn tay và bàn chân của mẹ có bị sưng hay giãn tĩnh mạch hay không
• Kể cho bác sĩ nghe về các triệu chứng mẹ đã trải qua, đặc biệt là những triệu chứng không bình thường
• Nêu ra những câu hỏi hoặc vấn đề mẹ muốn thảo luận. Mẹ nên lên một danh sách câu hỏi sẵn trước ngày khám.
Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 18
Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?
1. Chất độc hại trong hải sản
Mẹ vẫn có thể ăn cá và các loại hải sản khác nếu ăn một cách điều độ. Hải sản là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhưng loại thực phẩm này cũng có thể chứa các chất độc hại bao gồm methyl thủy ngân và cả dioxin, PCBs (thường được sử dụng làm chất làm lạnh) cùng thuốc trừ sâu ở liều lượng thấp. Khi mẹ ăn phải một lượng các chất độc hại quá cao, sự phát triển sau này của bé có thể bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, không có lý do nào để cấm hoặc không ăn thủy sản. Tuy nhiên, mẹ cũng nên tránh ăn những loài cá lớn chứa nhiều chất độc hại như thủy ngân, đặc biệt là cá mập, cá thu, cá kiếm và cá kình.
2. Kiệt sức 
Nếu mẹ cảm thấy khó thở hoặc kiệt sức khi đang chạy bộ hoặc làm việc nhà, hãy lập tức dừng những hoạt động này lại. Làm việc cho tới khi kiệt sức không bao giờ là một ý tưởng tốt. Trong khi mang thai tuần thứ 18, đây là một điều đặc biệt gây hại bởi công việc sẽ khiến cho cả mẹ và bé bị mệt mỏi. Thay vì chạy marathon, mẹ nên đi chậm từng bước. Hãy làm việc hoặc tập thể dục một chút rồi nghỉ ngơi một chút để mẹ có thể hoàn thành công việc hay tập luyện thể thao mà không cảm thấy sức lực cạn kiệt. Nếu thỉnh thoảng mẹ vẫn không thể thực hiện xong hết mọi việc thì hãy cứ xem như đây là những buổi tập luyện cho giai đoạn chăm con sau này, khi mà công việc luôn dồn ứ và khiến mẹ làm không xuể.